Quá sớm và quá trễ (too early and too late)

Học sống trung thực là học cách mở cánh cửa nội tâm. Như nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, tác giả bài thơ Buổi sáng nói đại ý, nếu không mở cánh cửa để nhìn vào lòng tự trọng, vào lương tâm, để đến bảy mươi tuổi mới làm điều đó thì điều kèm theo chỉ là sự ân hận”

Ảnh Pinterest

Bài viết dưới đây, mình đọc đi đọc lại nhiều lần của anh Hà Nhân, được trích trong phần Trò chuyện đầu tuần của tạp chí Hoa Học Trò. Những bài viết của anh, có gì đó rất đặc biệt với mình. Chính vì vậy, mình viết ra để nhắc nhở bản thân mình đó là “Không gì là quá sớm hay muộn cả, tất thảy đều là do bản thân muốn hay không”. Mình mong rằng, những ai đọc được bài viết này cũng sẽ chiêm nghiệm một điều gì đó cho bản thân.

Đọc trích như sau:

Chiều cuối tuần thời tiết vô cùng đẹp, mà em chẳng được đi chơi. Các em ba tuổi. Tự hỏi ba tuổi đi học (học hẳn hoi, chứ không phải là kiểu trò chơi làm quen ngôn ngữ) có sớm quá không? Thế giới đổi thay quá nhanh, bể kiến thức ngày một rộng lớn, không bắt đầu sớm thì không thể nạp đủ kiến thức kỹ năng để sống và làm việc chăng? Hay chuyện đó chỉ là kết quả của vội vàng, nhầm lẫn của người lớn, của nóng ruột của phụ huynh?

Hai mươi tuổi mới học võ có quá muộn không? Bốn tuổi đã học chữ có sớm quá không? Người ta thường đánh đồng chuyện học và học cái gì vào lúc nào. Đơn giản vì nghĩa đằng nào chả phải học, tiếp xúc càng sớm càng tốt chứ sao. Nhưng con người đâu phải khi sinh ra đã hoàn thiện thể chất và trí tuệ. Sáu tháng tuổi dạ dày mới dần tiêu hóa được thức ăn mềm ngoài sữa mẹ, khi đó trẻ mới ăn dặm. Sang một tuổi, có bé còn chưa điều khiển được việc ra mồ hôi khi cơ thể tăng nhiệt. Lớn chút nữa cặp xương sườn cuối cùng mới mọc ra, thận mới phát triển…Con người từ đứa trẻ lớn lên rồi già đi cùng với câu hỏi cái gì và vào lúc nào?

Hai mươi tuổi mới tập bơi thì eo ôi ngượng chết đi được. Và quan trọng là rất khó nhọc và uống rất nhiều nước bể. Ba mươi tuổi mới học võ hay một môn thể thao nào đó thì xương cốt gân cơ đau nhức thường xuyên mà kỹ năng thì tiến bộ vô cùng chậm. Cho nên tuổi lên ba là tuổi vui đùa, tuổi học nhạc, học vẽ…Tuổi lên năm lên này là tuổi học đá bóng, đánh cầu hay bơi lội. Học viết chữ quá sớm sẽ giết chết năng lực hội họa trong mỗi đứa trẻ. Học chơi thể thao quá trễ thì có khi đứt gân, thương tật tàn phế như chơi. Nhưng với triết học, hai mươi tuổi nghiên cứu nó cũng là vừa kịp.

Duy nhất một điều nếu không học sớm thì luôn luôn là quá muộn. Đó là học cách sống trung thực ngay ngắn. Chẳng cực đoan đến khó tính như người ta đã chín chắn “thịt xắt không vuông miếng không ăn, chiếu không trải ngay ngắn không ngồi” nhưng chi ít phải biết không cầm nắm cái gì không thuộc về mình. Ba tuổi học về sống trung thực đã không còn sớm, bốn mươi tuổi mới rút ra bài học sâu sắc thì e là quá trễ,

Học sống trung thực là học cách mở cánh cửa nội tâm. Như nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, tác giả bài thơ Buổi sáng nói đại ý, nếu không mở cánh cửa để nhìn vào lòng tự trọng, vào lương tâm, để đến bảy mươi tuổi mới làm điều đó thì điều kèm theo chỉ là sự ân hận.

Với lòng trung thực, hãy học cách hành xử của bạn Jett tia chớp trong phim Đội bay siêu đẳng: On time anytime – Là luôn luôn kịp lúc bất cứ lúc nào.

Lúc mình chưa đọc bài viết này, mình sẽ nghĩ “Không bao giờ quá muộn đẻ bắt đầu”. Thật ra thì câu này cũng có ý đúng, nhưng thiếu, thiếu là những gì mà anh Nhân cũng đã chia sẻ một phần nào đó.

Thứ nhất, không phải lúc nào chuyện học cũng là muộn cả, nhưng học cái gì, học được điều gì ở thời điểm nào. Khi lên ba, chỉ cần dạy con học sống trung thực và không lấy những gì không thuộc về mình, như thế cũng đã vừa đủ từng bước dạy con thành người rồi. Không nhất thiết, bạn phải bắt đứa trẻ lên ba nói chưa sỏi đã vội học ngôn ngữ, học toán, tiếng việt nhanh (ngoại trừ bé thích, nhưng không phải là dạng nhồi nhắt kiến thức).

Thứ hai, khi bạn đến tuổi 40, 50 , lúc ấy bạn đã có gia đình, chồng con đuề huề, để có cho mình một thời gian rảnh để học quả thực cũng rất khó, trừ khi bạn làm những công việc văn phòng, theo hệ vừa học vừa làm để nâng cao chức vụ của mình. Nhưng ngược lại, thời gian chăm sóc bản thân đôi khi còn không có, huống chi là học hành (dành cho những người phụ nữ bận rộn con cái, buôn bán, hoặc những người ít học). Chính vì vậy, cố gắng học lúc trẻ thì sau này đỡ cơ cực hơn (mình không chắc chắn sau này sẽ hạnh phúc hay giàu có, nhưng chí ít những khoản thời gian học hành đó đã giúp ích cho cuộc sống hiện tại của bản thân).

Suy cho cùng, quyết định là ở bản thân, sớm hay muộn cũng phụ thuộc vào thời gian để bắt đầu. Nhưng không học hay rút ra bài học sâu sắc thì e là quá trễ.

Bình luận về bài viết này

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia